Hoi Dap Covid 19

Kể từ thời điểm áp dụng chỉ thị 16 toàn TP.HCM, UBND TP chỉ đạo xử lý nghiêm vi phạm phòng chống dịch và thông tin gây hoang mang. Người dân cần lưu ý gì khi ra đường, tụ tập, chia sẻ thông tin...?

Do mức độ nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế ban hành quyết định 219/QĐ-BYT liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Kể từ 0h ngày 9-7, TP.HCM áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng trên toàn địa bàn. Theo đó, TP yêu cầu thực hiện nghiêm việc giãn cách và tăng cường xử phạt người dân vi phạm giãn cách và thông tin sai sự thật, gây hoang mang.
Từ chỉ đạo trên, người dân cần lưu ý gì để khỏi vi phạm và bị phạt nặng?

Ra đường không có lý do chính đáng, không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách 2m sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng (theo điểm a, khoản 1, điều 12 nghị định 117 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế). Các hành vi này vi phạm không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Việc tập trung (quá 2 người) ở nơi công cộng sẽ bị xử phạt 10-20 triệu đồng (theo điểm c, khoản 3, điều 12 nghị định 117). Đây là hành vi vi phạm không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người. Mức xử phạt trên áp dụng cho từng cá nhân.

Trong thời gian này, chia sẻ, đưa lên mạng xã hội, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch COVID-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 20 triệu đồng (theo điều 101 nghị định 15/2020) hoặc bị xử lý hình sự.

Việc không tạm ngừng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, hàng ăn uống theo yêu cầu sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng (theo điểm c, khoản 3, điều 12 nghị định 117). Còn các phương tiện vận tải ra vào TP mà không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế có thể bị xử phạt đến 40 triệu đồng (điểm a, khoản 5, điều 12 nghị định 117).

Trường hợp người dân không khai báo y tế theo yêu cầu phòng chống dịch có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng (theo khoản 2, điều 14 nghị định 117). Còn nếu không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra, vào vùng dịch bị phạt đến 30 triệu đồng (điểm a, khoản 4, điều 12 nghị định 117).

Hành vi trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng, chống dịch có thể bị xử phạt hành chính tối đa đến 10 triệu đồng (khoản 1, điều 11 nghị định 117).

Nếu người dân phát hiện bản thân hoặc người khác có triệu chứng mắc COVID-19 mà không kịp thời khai báo y tế, khai báo y tế gian dối, che giấu bệnh có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng (khoản 3, điều 7 nghị định 117). Người không khai báo, hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh với thầy thuốc, nhân viên y tế cũng sẽ bị xử phạt 1 - 3 triệu đồng (theo khoản 2, điều 7 nghị định 117).

Ngoài xử phạt hành chính, các hành vi vi phạm về khai báo y tế, cách ly, che giấu bệnh, không tạm dừng kinh doanh… nếu dẫn đến lây lan dịch bệnh hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh sẽ bị xử lý hình sự.

Ngoài xử phạt hành chính, các hành vi vi phạm về khai báo y tế, cách ly, che giấu bệnh, không tạm dừng kinh doanh… nếu dẫn đến lây lan dịch bệnh hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh sẽ bị xử lý hình sự.

Nếu không chấp hành các yêu cầu kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch COVID-19 có thể bị xử lý hình sự.

Trường hợp lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh COVID-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính sẽ bị xử lý hình sự về tội đầu cơ.