Học nghề tại trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn – Một quyết định thay đổi đời tôi
Cô bác sĩ tương lai của Trung tâm Y tế Giá Rai
Em Hồ Thị Kim Tiên khi còn đang là sinh viên ngành y sĩ tại Trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn
Em là Hồ Thị Kim Tiên, cô bé với nụ cười mím miệng như muốn che giấu điều gì, nó đối lập hoàn toàn với đôi mắt sáng ngời, thân thiện, cởi mở. Em hiện là nhân viên y tế của Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Tốt nghiệp lớp Y sĩ của trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn, vì điều kiện gia đình, em về quê hương lập nghiệp. Qua những vòng kiểm tra tay nghề, em được nhận vào làm việc tại Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai. Sau 03 năm làm việc, khi đã đủ điều kiện về thâm niên, em đăng kí tham gia tuyển sinh đại học và hiện đang theo học ngành Bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Tuy hai cô trò chỉ tâm sự với nhau qua màn hình điện thoại, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy rất gần gũi. Em say sưa nhắc lại những kỷ niệm về mái trường như thể nó mới xảy ra ngày hôm qua. Trải lòng mình về những khó khăn hiện tại, vẫn với nụ cười mỉm và đôi mắt long lanh, Tiên kể: “Mặc dù từ Bạc Liêu đến Cần Thơ đi học, phải thu xếp đảm bảo công việc cơ quan, gia đình với 2 cậu con trai nhỏ nhưng em thấy những khó khăn không đáng là gì. Động lực giúp em vượt qua là khi biết ước mơ của mình sắp thành hiện thực. Hồi thi đại học không đậu, em rất buồn và thất vọng. Nhưng chưa bao giờ em có ý định từ bỏ ước mơ. Em suy nghĩ rất đơn giản, nếu không đi đường thẳng thì mình sẽ đi đường vòng. Em quyết định theo học ngành y tại trường mình bởi đây là trường công lập, học phí thấp, phù hợp với điều kiện của gia đình. Mặt khác, em nghĩ trường công, chắc chắn việc tổ chức hoạt động kiểu gì cũng bài bản và khoa học hơn.
Em Hồ Thị Kim Tiên hiện đang theo học ngành Bác sĩ đa khoa
tại Đại học Y Dược Cần Thơ
Hai năm theo học ngành y sĩ tại trường, em đã trải qua thật nhiều cảm xúc vui buồn. Hồi mới vô, em rất lo lắng vì những yêu cầu cao của ngành nghề ngoài sức tưởng tượng của em. Đến khi thực tập, em đã hết sức ngỡ ngàng khi được phân về các bệnh viện đầu ngành như: Chợ Rẫy, Từ Dũ, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị các bệnh nghề nghiệp… Em rất tự hào và hạnh phúc vì trong thời gian thực tập đó, em đã được vận dụng các kỹ năng thực hành để hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người bệnh. Lần đầu tiên trong đời, nhìn những ánh mắt biết ơn của người bệnh, em thầm hứa sẽ cố gắng hết mình vì màu áo mà em đã theo đuổi.
Giờ đây, khi sắp thực sự trở thành một bác sĩ, em biết áp lực công việc sẽ rất nặng nề, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay nhưng em vẫn cảm thấy thật hạnh phúc với ngành nghề mà em đã lựa chọn. Mặt trận mà chúng em dấn thân là một mặt trận không tiếng súng, nhưng ở đó cuộc đấu tranh đẩy lùi bệnh tật giành giật sự sống cho bệnh nhân là một cuộc đấu tranh không kém phần cam go quyết liệt. Chỉ cần người bệnh khỏe mạnh trở lại là chúng em hạnh phúc rồi…”
Như đã nói ra được hết nỗi lòng của mình, cô bác sĩ tương lai mỉm cười quay sang bế cậu con trai kháu khỉnh đang tò mò thò mặt vào điện thoại. Cô trò tạm biệt nhau, tôi đưa tay bấm tắt điện thoại, trong lòng thầm nghĩ: “Với cô gái có trái tim nhân ái này không biết người chọn nghề hay nghề đã chọn người?”
Chàng “dancer” hộ lý ở Tokyo
Em Phan Thành Nam, trong màu áo đồng phục chụp hình kỷ niệm với cây Sakura tại khuôn viên Bệnh viên nơi em làm việc
Sau vài lần hẹn hò, tôi có một cuộc trò chuyện xuyên biên giới với một cậu học sinh cũ hiện đang làm việc tại Nhật Bản. Đó là Phan Thành Nam. Khi còn học ở trường, Nam là một sinh viên rất tích cực và năng động trong các hoạt động đoàn thể. Đặc biệt, cậu là một dancer chiếm toàn bộ spotlight trong các chương trình do nhà trường tổ chức. Cứ tưởng anh chàng người thành phố, thích “nhảy nhót” suốt ngày này hẳn sẽ có kết quả học tập chuyên môn thuộc dạng “làng nhàng” nhưng thực sự không phải như thế. Theo học ngành điều dưỡng, ngay từ những ngày mới vào trường, cậu sinh viên sinh năm 1997 đã xác định sẽ ra nước ngoài làm việc nên rất cố gắng học. Do định hướng ngay từ đầu như thế nên khi nhà trường có mối quan hệ hợp tác với công ty phái cử, Thành Nam đã cùng một nhóm các bạn đăng ký theo học môn tiếng Nhật ngay từ năm thứ hai.
Ngoài học tiếng Nhật, cuối tuần các em còn tới công ty phái cử hòa nhập với nhịp điệu sinh hoạt ở đây để làm quen với nếp sống, nếp sinh hoạt theo đúng đặc điểm văn hóa Nhật Bản. Từ những kiến thức chuyên ngành Điều dưỡng nói chung cũng như kiến thức về Chăm sóc người cao tuổi theo kỹ thuật Kaigo (Nhật Bản) nói riêng của trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn, em đã vượt qua các vòng phỏng vấn của Nghiệp đoàn phía Nhật Bản và chính thức sang làm việc tại Bệnh viện Hinode Gaoka, Tokyo, Nhật Bản đến nay đã được 2 năm.
Bệnh viện Hinode Gaoka, Tokyo, Nhật Bản nơi em Phan Thành Nam – Cựu sinh viên ngành Điều dưỡng đang làm việc
Khi được hỏi về thu nhập, Nam cười bẽn lẽn: “Nếu có trực đêm mỗi tháng thu nhập được chừng 40 triệu cô ạ! Một ngày em đi làm 8 tiếng nhưng thời gian thực làm là 7 tiếng, nghỉ một tiếng. Em được ở ngay trong ký túc xá của bệnh viện nên rất thuận lợi cho việc đi làm và cũng tiết kiệm được chi phí. Khi sang đây, em cảm thấy thích nhất là học tập được tính nghiêm túc của người Nhật, việc tuân thủ thời gian, nội quy công việc… Những điểm này đã khiến em trưởng thành hơn rất nhiều. Còn về công việc thì cũng đơn giản, không quá khó khăn, chỉ cần mình có tâm, tận tụy với công việc là mọi thứ đều tốt hết”.
Theo chàng trai trẻ, khó khăn nhất của một người khi sang đất nước bạn làm việc đó là ngôn ngữ. Mới đầu còn bỡ ngỡ và tiếng chưa tốt nên mọi việc các em đều phải nhờ phía công ty phái cử, trong công việc đôi khi cũng có khó khăn do không hiểu ý của người bệnh. Nếu được khuyên các bạn ở Việt Nam, khi có ý định sang Nhật hoặc một đất nước khác làm việc thì ngoài chuyên môn, hãy cố gắng học ngôn ngữ của nước họ.
Khi được hỏi, có nhớ nhà không, Thành Nam chia sẻ: “Vì dịch bệnh, đã 2 năm em chưa được về thăm nhà nhưng do môi trường làm việc tốt, thu nhập ổn định cũng như được làm công việc yêu thích nên em không cảm thấy nhớ nhà nhiều. Với lại em mới 24 tuổi thôi, còn trẻ quá, em muốn ra ngoài để học hỏi thêm cô ạ!”.
Tôi chắc chắn, một chàng trai năng động, lạc quan như Thành Nam sẽ không chỉ là một hộ lý tốt mà em sẽ còn là một nhân tố góp phần lan tỏa lối sống tích cực ở cộng đồng nơi em làm việc.
Qua cuộc trò chuyện với hai cựu sinh viên của trường, tôi thấy các em đã trưởng thành, tôi thấy thật thấm thía suy nghĩ của Kim Tiên “không đi đường thẳng thì mình sẽ đi đường vòng”, Thật vậy, ngạn ngữ có câu: “Con đường nào rồi cũng dẫn đến La Mã”. Chọn Trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn là các em chọn con đường tuy khác biệt nhưng vẫn sẽ đi đến đích.